GIỜ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
 
Từ Thứ 2 đến Thứ 6:

Sáng:
7 giờ đến 11 giờ

Chiều:
13 giờ đến 17 giờ




Liên kết website :
Số người truy cập: 1.498.804
Đang online: 43
[ Đăng ngày: 19/08/2015 ]

I/ Đặt vấn đề:

Trong thời đại ngày nay, công tác thông tin nói chung và thông tin thư viện nói riêng có một tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc khai thác hiệu quả thông tin đã trở thành một trong những nhân tố hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Thư viện là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng. Thư viện là một yếu tố căn bản và quan trọng, là thước đo đánh giá vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả đào tạo của đại học và không thể tách rời trường đại học với thư viện.

II/ Vai trò của thư viện đại học trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo

  1.  Thư viện là động lực đóng góp vào việc đổi mới giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực

Trong trường đại học, thư viện góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tri thức cho đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển sản xuất và các khoa học công nghệ. Thư viện cung cấp cho xã hội những thông tin khoa học mới mẻ, đặc biệt là những thành quả của các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên trong trường. Đây là dạng thông tin mang tính đặc thù và đôi khi là những thông tin độc nhất, khó tìm thấy ở nơi khác.

Thư viện bổ sung và cập nhật những kiến thức mới, những phương pháp giảng dạy tiên tiến làm cho việc học tập và giảng dạy thêm sinh động và hấp dẫn. Thư viện mở rộng điều kiện học tập cho sinh viên cả về không gian, thời gian và các lĩnh vực tri thức hơn so với khuôn khổ qui định về nội dung, chương trình và kế hoạch đào tạo của nhà trường.

Công nghệ thông tin - truyền thông đang đưa đến một cuộc cách mạng giáo dục - sư phạm thật sự, làm thay đổi nhiều khái niệm cơ bản của giáo dục, nghiên cứu khoa học. Tại nhiều hội thảo bàn về vấn đề này, các ý kiến đã thống nhất hiệu quả, tiện ích của áp dụng phương tiện thông tin hiện đại và công nghệ vi tính để soạn giáo trình, dạy - học, khai thác các nguồn tư liệu trong dạy - học và nghiên cứu khoa học. Tham gia quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và Internet vào giảng dạy - học tập, nghiên cứu khoa học, thư viện trở thành những trung tâm thông tin - tư liệu thực sự, góp phần đắc lực biến thông tin thành tri thức bằng cách liên kết các nguồn tài nguyên thông tin với nhau, đồng thời mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu tin của mọi đối tượng qua sự hợp tác liên thông và chia sẻ nguồn lực thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm cả thời gian và vật chất cho người sử dụng. Vai trò giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực của cán bộ thư viện được thể hiện rõ nét qua việc hướng dẫn, giảng dạy về các kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin để hỗ trợ cho người dùng tin khai thác hiệu quả nguồn thông tin sẵn có.

2. Thư viện góp phần đổi mới phương pháp dạy - học, tạo môi trường tự học và tự nghiên cứu, kích thích sự chủ động của người học

Mục tiêu quan trọng nhất đối với giáo dục đại học trong kỷ nguyên thông tin là tạo ra những con người có khả năng tự định hướng học tập, tự học thường xuyên, biết chọn lọc, xử lý thông tin và có khả năng sáng tạo tri thức, tự tin hội nhập vào thị trường lao động “chất xám” quốc tế đầy tính cạnh tranh. Đây là xu thế tất yếu trong xã hội thông tin.

Hoạt động giảng dạy, học tập thực chất là một quá trình truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Nếu giáo viên nắm bắt, cập nhật được những thông tin mới thường xuyên và vận dụng phù hợp với quá trình giảng dạy thì bài giảng sẽ sinh động, phong phú và đi sát với thực tế hơn. Nếu sinh viên tìm tài liệu, khai thác thông tin - tư liệu hiệu quả thì chất lượng học tập và khả năng nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao rõ rệt. Trong trường đại học, hoạt động khai thác thông tin đóng vai trò  tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy – học.

Phương pháp dạy và học mới đòi hỏi một số điều kiện tiên quyết cho phép người học “phát huy nội lực” và người dạy “dạy cách phát huy nội lực”. Phương pháp dạy - học mới sẽ rút ngắn thời gian giảng dạy lý thuyết trên cơ sở sinh viên được cung cấp nguồn thông tin dồi dào trước khi lên lớp, tăng thời gian tự học của sinh viên với sự trợ giúp của thư viện. Và cùng với học trò, người thầy lại tiếp thu những kiến thức mà chính mình đang giảng dạy, nhìn nhận chúng qua lăng kính của người học. Có thể nói đó là quá trình truyền thụ – tiếp thu kiến thức một cách chủ động và có tính sáng tạo. Chính vì vậy, để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, người thầy không thể không đọc tài liệu, cập nhật và sử dụng thông tin. Cũng có thể nói rằng, trường đại học sẽ không thể làm tốt nhiệm vụ đào tạo của mình nếu không có vai trò đóng góp của thư viện.

Việc đào tạo bậc đại học chỉ thực sự có chất lượng khi hoạt động học tập của sinh viên được thực hiện trong cả bốn môi trường: lớp học, thư viện, cơ sở thực nghiệm và môi trường thực tế. Trong đó, thư viện có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tính độc lập, sáng tạo của sinh viên. Người sinh viên phải học một cách thông minh hơn, chủ động hơn qua việc phân tích, tổng luận những tài liệu tra tìm được ở thư viện. Từ đó sẽ xóa bỏ lối học thụ động, khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu, kích thích sự chủ động của sinh viên.

3. Vai trò của cán bộ thư viện đại học trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng

Trong tất cả các yếu tố góp phần làm tăng chất lượng, hiệu quả của hoạt động quản lý và khai thác thông tin thư viện, yếu tố con người là quan trọng nhất và mang tính quyết định. Cán bộ thư viện là cầu nối giữa nguồn tài nguyên thông tin và người dùng tin. Chúng ta có thể nói một khiếm khuyết rất quan trọng của thư viện đại học hiện tại là chưa chú trọng đúng mức tới việc hướng dẫn cụ thể sinh viên phương pháp nghiên cứu, tìm tư liệu, cung cấp thông tin thư tịch để sinh viên hứng khởi, ham thích trong công việc nghiên cứu.

Với vai trò đóng góp vào sự đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập tại trường, cán bộ thư viện phải chủ động giới thiệu, cung cấp nguồn thông tin phong phú, đa dạng. Đồng thời, cán bộ thư viện phải tạo môi trường thân thiện, thông thoáng, chuyên nghiệp không chỉ bằng khả năng chuyên môn, nghiệp vụ giỏi mà còn bằng khả năng giao tiếp tốt.

Các cán bộ thư viện ngày nay không thể chỉ bằng lòng là những người “thủ kho giữ tài liệu” với phương châm “ vui vẻ, hòa nhã, nhiệt tình” mà còn phải là những “ hoa tiêu” trong ”đại dương” thông tin; năng động, thạo nghề, có trình độ ngoại ngữ, tin học để chỉ ra những tài liệu độc giả cần một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bên cạnh đó, cán bộ thư viện phải luôn có ý thức trách nhiệm động viên, nuôi dưỡng thói quen và sự hứng thú đọc sách cho sinh viên.

Để làm được điều này, nhà trường cần có một kế hoạch gửi các cán bộ thư viện đi đào tạo lại, đào tạo mới không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cả về tin học, ngoại ngữ bằng những khóa học ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước. Đồng thời, bổ sung những cán bộ trẻ có năng lực, có khả năng sáng tạo, có tâm huyết.

Ngoài các kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, người cán bộ thư viện còn cần được đào tạo các kiến thức về tâm lý, kỹ năng giao tiếp… để biết vận dụng khéo léo khả năng, trình độ của mình vào công việc và có những thái độ, cư xử thích hợp với bạn đọc trong từng tình huống khác nhau.

Việc cán bộ thư viện biết cách cộng tác và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo trong nhà trường và đội ngũ giảng viên là điều cơ bản nhất cho sự thành công của các hoạt động thư viện. Cán bộ thư viện phải tìm những cơ hội để có quan hệ mật thiết hơn với các giảng viên nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ họ trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và chính giảng viên lại là người cung cấp những thông tin có giá trị để phát triển bộ sưu tập và các dịch vụ của thư viện.

Khi thiết lập được sự cộng tác tốt thì chắc chắn thư viện sẽ có một môi trường làm việc thuận lợi. Công tác liên hệ tốt sẽ đưa giảng viên và sinh viên tham gia vào các hoạt động của thư viện, chia sẻ, cảm thông với thư viện như chính người “trong cuộc”.

4. Thư viện Trường Đại học Sư phạm TP.HCM với vai trò góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường Đại học Sư phạm trọng điểm Tp. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đang tiến hành chương trình đổi mới giáo dục từ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp nghiên cứu khoa học đến đội ngũ giảng viên, phương tiện giảng dạy….Trong chương trình đổi mới ấy, việc hoàn thiện hệ thống thông tin thư viện nhằm phục vụ hiệu quả mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, góp phần đổi mới phương pháp dạy - học được đặc biệt chú trọng.

Thư viện Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh đã được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng cơ sở, kết nối hệ thống mạng, trang bị máy móc thiết bị hiện đại... Trong quá trình đổi mới, Thư viện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong nhà trường, cung cấp được một số dịch vụ thông tin cơ bản cho bạn đọc.

Thư viện đã liên tục tổ chức nhiều buổi giới thiệu sách mới, tài liệu mới thông qua những cuộc thi “Bạn đọc với Thư viện”, triển lãm sách, hội nghị độc giả… để kích thích, động viên sự tìm tòi học hỏi của sinh viên. Bên cạnh đó, các buổi học với đề tài “Sử dụng Thư viện hiện đại”, "Truy cập thông tin Internet”, ’’Phương pháp đọc sách hiệu quả”… được tổ chức thường xuyên. Kết quả là đã tạo điều kiện cho sinh viên hiểu, gắn bó và quen thuộc hơn với cách tìm kiếm thông tin, khai thác thông tin, thảo luận, làm việc theo nhóm… để thu được những kiến thức mới và có những đánh giá, nhận xét của riêng mình. Từ đó, sinh viên hình thành thói quen học tập chủ động, sáng tạo hơn.

Việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với cán bộ, giảng viên cũng được Thư viện rất chú trọng. Hoạt động này bao gồm:

- Liên hệ thường xuyên với cán bộ, giảng viên các khoa một cách thường kỳ để kịp thời nắm bắt nhu cầu, sự thay đổi về nguồn tài liệu, trao đổi về những nguồn tư liệu mới (bao gồm danh mục sách mới, thông tin về cách thức đặt sách, nội dung cơ sở dữ liệu), trên cơ sở đó phát triển bộ sưu tập và dịch vụ thư viện, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

- Thăm dò, khảo sát nhu cầu tin là một việc làm cần thiết để thư viện nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc. Việc thỏa mãn các yêu cầu thông tin chính là một hoạt động để phát triển thư viện, nâng cao vai trò của thư viện cũng như tạo mối quan hệ mật thiết giữa bạn đọc với thư viện.

- Tham dự các cuộc hội thảo về chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy để nắm bắt kịp thời những thay đổi về nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học... Từ đó, xác định đúng nhiệm vụ của Thư viện, xây dựng chính sách bổ sung phù hợp và tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa cán bộ, giảng viên và Thư viện.

- Hàng tháng, thông qua bản tin điện tử, cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết như giới thiệu tài liệu mới, các sách, bài báo chuyên đề đính kèm tóm tắt, các hoạt động của Thư viện...

Bên cạnh những việc đã làm được, Thư viện còn có những mặt hạn chế như: vai trò của Thư viện chưa phát huy hết tác dụng, nguồn tư liệu của Thư viện chưa được khai thác triệt để:

+ Chất lượng sản phẩm và các dịch vụ thông tin - tư liệu chưa cao. Chưa triển khai được các hoạt động cung cấp thông tin chuyên sâu, thông tin chọn lọc. Các dịch vụ thông tin hiện đại thực hiện không đồng bộ, chưa khoa học, thiếu sự tuyên truyền giới thiệu tích cực nên chưa lôi cuốn được nhiều bạn đọc tham gia.

+ Chưa có sự phối hợp giữa Thư viện trường với các tủ sách, thư viện khoa gây nên tình trạng lãng phí do tài liệu không được khai thác hết hiệu quả.

+ Nguồn lực thông tin chưa đầy đủ do kinh phí mua tài liệu cấp cho Thư viện còn hạn hẹp và không đều. Các loại tài liệu có tính chất nghiên cứu chuyên sâu  như sách tra cứu, chuyên ngành, tạp chí ngoại văn… còn ít.

+ Trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ Thư viện còn nhiều hạn chế nên việc hỗ trợ người dùng tin khai thác hiệu quả nguồn thông tin của Thư viện chưa đạt hiệu quả cao.

- Kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin của nhiều bạn đọc không tốt, làm giảm đáng kể kết quả thu nhận, tổng hợp thông tin của chính họ. Trình độ ngoại ngữ cũng là một rào cản tương đối lớn trong việc đọc các tài liệu bằng tiếng nước ngoài.

III/ Kết luận

Tại Hội nghị Giáo dục Đại học (từ 1/10 đến 3/10/2001), Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói : “Trường đại học cần giúp sinh viên thu nhận những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất và chủ yếu dạy cho sinh viên biết cách học, cách tư duy sáng tạo thì mới có thể thích ứng với mọi tình huống trong thị trường lao động và trong đời sống xã hội khi ra trường…”.

Để thực hiện theo những nhận định trên của Thủ tướng, vai trò thư viện đại học phải được khẳng định. Thư viện cần được đầu tư đúng mức để trở thành một trung tâm thông tin, không chỉ thu thập thông tin mà còn phải biết xử lý các dạng thông tin theo hướng tích cực, giúp độc giả tiếp cận tri thức một cách nhanh nhất, chính xác nhất, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của người tìm tin. Đầu tư cho thư viện cũng chính là đầu tư cho một trong những cơ sở vật chất dùng chung có tính nền tảng, tác động tích cực đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Chúng ta cũng cần thấy rõ mối quan hệ hữu cơ giữa các yếu tố. Một sự thay đổi ở một yếu tố nào đó, đến một mức độ nhất định, buộc phải có sự thay đổi tương ứng ở các yếu tố khác. Khi chương trình, nội dung hay phương pháp dạy - học đã thay đổi mà các điều kiện hỗ trợ cho thư viện như mặt bằng, trang thiết bị, tài liệu… không được đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả thì vẫn không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, để tạo bước đột phá trong việc nâng cao năng lực cung ứng thông tin, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu tin của cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong trường đại học, thư viện cần phải được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường năng lực quản lý và cung cấp thông tin. Đồng thời, cán bộ thư viện phải nỗ lực nhiều hơn, không ngừng học tập nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Minh Hạc (2003). Về đổi mới phương pháp dạy – học ở đại học và cao đẳng // Tạp chí Giáo dục, (55), tr. 32-33.

2. Phan Văn Khải (2001). Bài phát biểu tại Hội nghị Giáo dục Đại học (từ 1/10 đến 3/10/2001). - Hà Nội. - tr.3

3. Lê Ngọc Oánh (2000). Vai trò của thư viện đại học trong việc đổi mới và phát triển giáo dục // Bản tin điện tử Câu lạc bộ Thư viện, (6), tr.1 -2.

4. Nguyễn Hồng Sinh (2005). Vai trò của cán bộ thư viện trường học hiện đại : Tập san (28). - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM.

5. Đỗ Trung Tá (2004). Ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông để đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam – Hội nhập và thách thức”. - Hà Nội

6. Nguyễn Thị Lan Thanh (2004). Thư viện các trường đại học với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học: Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam – Hội nhập và thách thức”. - Hà Nội.

7. Nguyễn Thị Thư (2007). Thư viện với việc đổi mới phương pháp dạy và học ở đại học: Tham luận tại Hội thảo „Thư viện với việc đổi mới phương pháp dạy và học ở bậc học đại học – cao đẳng”. - Tp.HCM.

8. Nguyễn Lân Trung (2004). Đổi mới phương pháp giảng dạy, nhu cầu cấp bách để nâng cao chất lượng đào tạo: Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam – Hội nhập và thách thức”. - Hà Nội.

9. Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (2007). „Hoàn thiện hệ thống thông tin nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM „: Dự án

__________________

Lê Quỳnh Chi: Thư viện Đại học Sư phạm TP.HCM

(Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam)

CÁC TIN KHÁC