GIỜ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
 
Từ Thứ 2 đến Thứ 6:

Sáng:
7 giờ đến 11 giờ

Chiều:
13 giờ đến 17 giờ




Liên kết website :
Số người truy cập: 1.498.668
Đang online: 30
[ Đăng ngày: 16/05/2020 ]

PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ CHÙA GIÁC VIÊN

QUA CÁC GIAI ĐOẠN BẢO TỒN TRÙNG TU

ANALYSIS AND EVALUATION OF GIAC VIEN PAGODA IN THE PRESERVATION PERIODS

THS.KTS. NGUYỄN THANH XUÂN YẾN

Khoa Kiến trúc, Trường ĐHXD Miền Tây

Điện thoại: 0907767985; Email: nguyenthanhxuanyen@gmail.com

Tóm tắt:

Tiếp theo bài báo được đăng trên tập san kỳ trước nói về "Nhận định giá trị kiến trúc và thực trạng chùa Giác Viên", bài viết đã phần nào phản ánh thực trạng (2016) của chùa và sự thay đổi trong các giai đoạn trùng tu bảo tồn chùa Giác Viên. Với sự phân tích đánh giá trên thì chùa Giác Viên là một trong những ngôi cổ tự còn lưu giữ rất nhiều giá trị về kiến trúc, tôn giáo - tín ngưỡng... mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy những giá trị độc đáo đó. Để giữ gìn và phát huy tốt những giá trị đó chúng cần tìm hiểu, phân tích, đánh giá các giá trị từ vật chất đến tinh thần còn tồn tại qua các giai đoạn bảo tồn trùng tu trong di tích lịch sử văn hóa này. Bài viết này nhằm phân tích, đánh giá sự biến đổi trong các giai đoạn bảo tồn chùa Giác Viên, cùng với các bài học kinh nghiệm từ những công trình tương tự và các cơ sở khoa học được tham khảo. Từ đó có những nhận định và định hướng tốt hơn cho việc bảo tồn, gìn giữ di tích, bảo vệ những giá trị về kiến trúc cũng như về lịch sử văn hóa dân tộc.

Từ khóa: bảo tồn, trùng tu, kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng, văn hóa Phật giáo

Abstract:

According to the “The identification of architectural value and the actual status of Giac Vien Pagoda”  published in the previous journal, the paper showed not only the current status of the temple in 2016 but also the change in the reservation of Giac Vien temple. Continually, this paper confirms the value of Giac vien temple through the analysis on the historical and social value that base on the physical and mental. The study aim is to evaluate the cause of the change in the preservation period and provide the experience in the conservation of the similar temple in region. In addition, the methodology is based on the reference the charter and documents of conservation, mostly theirs application to Vietnam. The study concludes that the right prescriptions and suitable orientation for preservation architectural values and national cultural history are the best way to preserve the traditional value.

Keywords: preservation, restoration, religious architecture, buddhist culture

1. Các giai đoạn bảo tồn chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên được xem là một trong những ngôi cổ tự ở thành phố Hồ Chí Minh, gắn với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh).

Với lịch sử hơn hai trăm năm, chùa Giác Viên đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có 3 lần trùng tu lớn có ảnh hưởng đến kết cấu và kiến trúc của chùa là:

Lần thứ nhất, vào năm Kỷ Hợi 1899 do thiền sư Minh Khiêm - Hoằng Ân (đời thứ 38, tông Lâm Tế) lo trùng tu. Công việc trùng tu chùa Giác Viên được hơn 3 năm mới hoàn thành. Lễ Lạc thành vào năm Nhâm Dần, năm 1902. [8]

Lần thứ hai, vào năm 1910 do hòa thượng Hoằng Nghĩa - Như Phòng phụ trách, lần trùng tu này đã thay đổi hoàn toàn kết cấu kiến trúc của chùa.

Lần thứ ba, lần trùng tu gần đây nhất là sửa chữa tôn tạo công trình Tây lang năm 1991. Do chùa đã rơi vào tình trạng xuống cấp và lúc này chưa được chính quyền địa phương quan tâm, nhất là khu vực Đông lang và Tây lang của chùa. [7]

 2. Các nguyên nhân gây biến đổi hủy hoại di tích

2.1. Tác động của môi trường sống

Chùa Giác Viên ngày xưa nằm trên khu vực một hòn đảo nổi lên giữa một đầm sen quanh năm sen nở rộ, cảnh đẹp của đầm sen lúc đó được xếp vào một trong ba mươi thắng cảnh đẹp ở Gia Định ngày xưa, nay là thành phố Hồ Chí Minh. Chùa có lối vào chính hướng ra bến Hố Đất xưa, hiện nay là một phần của nhánh kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Những kênh rạch này, ngoài việc làm cho chùa có cảnh quan xinh đẹp, kênh còn giữ vai trò quan trọng trong việc giữ nước và thoát nước trong mùa mưa và những đợt triều cường ở miền Nam. Tuy nhiên, do những năm gần đây biến đổi khí hậu hiển hiện rõ nét hơn tại thành phố Hồ Chí Minh, làm cho thời tiết thay đổi bất thường gây thay đổi lưu lượng nước, ngập lụt không những do triều cường thay đổi mà còn do lượng mưa thay đổi, làm cho một số nơi ở thành phố Hồ Chí Minh bị ngập trong đó có chùa Giác Viên.

2.2. Tác động của văn hóa - xã hội và quá trình đô thị hóa

Chùa Giác Viên là một trong những ngôi cổ tự ở Nam bộ gìn giữ được giá trị về tính cách văn hóa của người Việt Nam Bộ, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam tiếp biến với văn hóa phương Tây trong bối cảnh tự nhiên - xã hội Nam Bộ. Tuy nhiên, với tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến ngôi cổ tự này. Đô thị hóa phát triển dẫn đến mức sống và yêu cầu cuộc sống ngày càng tăng, những khu đô thị mới đang mọc lên, các khu chung cư cũ cũng dần được dỡ bỏ và thay thế bởi những khu nhà mới hiện đại hơn, khu biệt thự; những công trình với kiến trúc hiện đại đã và đang được xây dựng lấn áp và che mờ đi những di sản kiến trúc cổ kính có giá trị văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm lịch sử của đất nước.

2.3. Tác động của của con người

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân ảnh hưởng đến biến đổi hủy hoại di tích chùa Giác Viên do con người gây ra như: lấn chiếm khu vực chùa, trộm cắp các hiện vật quý hiếm, tự ý tu sửa nhằm mục đích cải thiện cuộc sống mà không quan tâm đến kiến trúc chùa. Các cơ quan chức năng ít quan tâm dẫn đến sự xuống cắp nghiêm trọng một số khu vực chức năng bên trong chùa, ít quan tâm dọn dẹp vệ sinh cây cỏ, rêu, các cây xâm thực mọc trên các tháp mộ ở khu vực xung quanh chùa làm hư hỏng, ảnh hưởng nhiều đến giá trị nghệ thuật trong các tháp mộ...



3. Phân tích và đánh giá thực trạng bảo tồn kiến trúc Chùa Giác Viên

3.1. Phân tích và đánh giá thực trạng bảo tồn tổng thể chùa Giác Viên

Tổng thể về bố cục của chùa Giác Viên nhìn chung vẫn giữ được bố cục mặt bằng phức hợp, là một trong những kiểu mặt bằng điển hình của Nam Bộ tuy nhiên qua quá trình sử dụng và trùng tu thì chùa đã có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến không gian kiến trúc

-   Trước năm 1910

Tuy chùa được xây dựng từ một miếu thờ Quan Âm nhưng chùa Giác Viên vẫn mang đặc tính chung của các ngôi chùa Việt ở Nam bộ đó là yếu tố cây xanh, mặt nước trong tổng mặt bằng kiến trúc. Yếu tố mặt nước được đặc biệt coi trọng trong kiến trúc chùa Việt vì nó không những gắn bó với tư tưởng triết lý thâm sâu của Phật giáo ở hình tượng hoa sen thuần khiết được nhô lên từ những ao hồ - “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, yếu tố mặt nước còn gắn liền với môi trường sống của người Việt cổ xưa. Đến năm Kỷ hợi (năm 1899) chùa được tu sửa chữa, lần trùng tu sửa chữa này tuy làm thay đổi kiến trúc của chùa và làm chùa rộng lớn hơn nhưng vẫn giữ được sự hài hòa giữa yếu tố tự nhiên và môi trường sống, không làm ảnh hưởng đến diện mạo của môi trường xung quanh chùa. Với lần trùng tu này chùa được mở rộng ra có dạng bố cục mặt bằng phức hợp.

-    Từ năm 1910 đến năm 1991

Chùa đã trải qua hai lần trùng tu làm thay đổi kết cấu của chùa do có sự ảnh hưởng của vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc phương Tây. Lần trùng tu này chỉ thay đổi kết cấu của chùa bằng những vật liệu xây dựng mới giúp chùa có kết cấu vững chắc hơn và có sự ảnh hưởng của phong cách kiến trúc phương Tây thể hiện rõ nhất qua hình thức mặt đứng của chùa mà không làm ảnh hưởng đến bố cục tổng thể của chùa. Lần trùng tu này còn làm bố cục tổng thể chùa Giác Viên do có xây dựng thêm khu kho, vệ sinh ở vị trí Đông lang, gần nhà Trù trong thời gian này. Ở đây, chưa nói đến giá trị thẩm mỹ của khu nhà khu vệ sinh mới xây thêm mà chỉ xét trên giá trị về mặt không gian cổ truyền thì đã có vấn đề về hình thức bố cục không gian. Với quan niệm của người xưa ở Nam bộ thì hướng Đông là hướng nhà bếp còn hướng Tây là hướng nhà vệ sinh. Vì quan niệm theo khí âm dương thì hướng Đông là hướng bắt đầu cho quá trình sinh diệt còn hướng Tây là hướng kết thúc cho quá trình sinh diệt. Như vậy, việc xây dựng thêm nhà vệ sinh ở vị trí Đông lang gần nhà Trù làm mất đi giá trị không gian cổ xưa.

-    Từ năm 1991 đến nay

Yếu tố cây xanh cảnh quan của môi trường xung quanh di tích không được bảo tồn đúng cách. Điều đáng quan tâm nhất trong giai đoạn này là việc xây dựng thêm nhà khám bệnh. Tuy việc xây dựng thêm nhà khám bệnh là một việc thiện, là cần thiết nhưng một công trình được xây dựng mới bằng gạch và lợp bằng mái tole một cách tạm bợ không xem xét đến kiến trúc chính của di tích gây ra sự tương phản rõ rệt khi được đặt cạnh nhau làm ảnh hưởng đến không gian cổ xưa của chùa. Theo như hiến chương Venice, tại điều 6 thì việc bảo tồn một di tích là bảo tồn cả khung cảnh nằm trong phạm vi trong di tích và những công trình xây dựng mới hay sửa sang mà làm thay đổi mối tương quan về hình khối và màu sắc thì không được phép tiến hành. Điều quan trọng hơn nữa ở đây là công trình xây thêm lại được đặt cạnh nhà Trù, nằm trong khu vực 1 là khu vực cần được bảo tồn nguyên trạng không cho phép xây dựng, cơi nới, làm ảnh hưởng đến di tích. Theo như hiến chương Athens đề cập đến việc trùng tu còn phải quan tâm đến diện mạo đô thị, môi trường xung quanh di tích “… loại bỏ mọi hình thức quảng cáo, mọi cột điện tín dựng chướng mắt, mọi xí nghiệp gây ồn, và cả mọi ống, trụ, cột cao trong vùng lân cận di tích nghệ thuật và lịch sử…”. Tuy nhiên, những hộ dân sống gần đó vẫn vô tư lấn chiếm khuôn viên chùa. Khu vực bị lấn chiếm nhiều nhất và bị ảnh hưởng lớn nhất là khu mộ tháp; người dân tụ tập buôn bán, rác thải sinh hoạt của người dân, rác của du khách vứt bừa bãi… làm mất đi sự trang nghiêm, cổ kính của ngôi chùa cổ.Vì vậy, công tác bảo tồn cần phải được quan tâm cả kiến trúc và cảnh quan của ngôi chùa để có thể gìn giữ được nguyên vẹn giá trị vật chất và tinh thần của ngôi chùa truyền thống Nam bộ.

 

3.2. Phân tích và đánh giá thực trạng bảo tồn kiến trúc chùa Giác Viên

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần trùng tu, chùa đã có một số thay đổi về kiến trúc, về kết cấu. Tuy nhiên, chùa vẫn giữ được giá trị lịch sử về kiến trúc

-    Trước năm 1910

Kiến trúc Chùa phát triển bắt nguồn từ hình thức kiến trúc ban đầu là một ngôi nhà vuông với khung sườn bằng gỗ, ba gian hai chái với mái lợp bằng ngói máng xối, dốc thẳng về bốn phía; kiểu nhà mà người dân thường gọi là nhà bánh ít, nhà Tứ tượng hay nhà Ngũ hành.

-    Từ năm 1910 đến 1991

Lần trùng tu này làm cho chùa Giác Viên có hình thức kiến trúc bên ngoài (mặt đứng) mang phong cách phương Tây, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc bên trong của ngôi chùa cổ. Có thêm hành lang bao quanh nối giữa Chánh điện, nhà Tổ với các dãy nhà Đông Lang, Tây lang và nhà Trù. Cột bao quanh hành lang và mặt trước nhà Tổ là cột gỗ được đặt lên chân đế cao để thích ứng với điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều và các đợt triều cường lên cao vào mùa lũ. Nội thất bên trong Chánh điện đa số vẫn được bảo tồn nguyên trạng, với nếp nhà tứ trụ, khung cột gỗ, hệ thống bao lam (cửa võng) được giữ nguyên trạng. Tuy nhiên phần nền có thay đổi gạch lát nền bằng “gạch bông” xi măng với bề mặt sáng bóng có hoa văn thay cho phần “gạch tàu” cũ được lát trước đó gây ảnh hưởng đến cấu trúc chung của toàn công trình kiến trúc cũ (phong cách nội thất thuần cổ)

-   Từ năm 1991 đến nay

Sau chiến tranh, chùa có thời gian bị lãng quên nên việc sửa chữa trùng tu cũng chưa được chú trọng. Việc sửa chữa trước đó do các tín đồ thực hiện như: lợp lại ½ mái tole ở Tây lang, dùng cây chống đỡ những bộ phận kết cấu bị mục nát, mối mọt.. chỉ mang tính tạm bợ để giữ cho chùa không bị sập đổ. Tuy nhiên, những điều đó vô tình đã làm mất dần đi dáng vẻ cổ kính của chùa. Kiến trúc của nhà mát ngày xưa là kết cấu với hệ khung gỗ đỡ mái không có tường xây gạch nay đã thay đổi thành nhà cốt được xây tường gạch với cửa đi và cửa sổ là những khung sắt hiện đại. Ngoài ra, có một số thay đổi về ánh sáng trong không gian nội thất. Không gian chánh điện là không gian “tĩnh” vì vậy không gian chánh điện thường có ánh sáng dịu nhẹ hơn ánh sáng rực rỡ bên ngoài. Ánh sáng của không gian bên trong chánh điện chỉ lấy sáng từ hai của sổ nhỏ và các cửa đi ở trước chánh điện. Với ánh sáng như vậy sẽ tạo cảm giác không gian yên tĩnh giúp cho các vị sư thầy trong chùa tu tập tốt hơn vì dễ đi vào thiền định và luôn được sống trong "sự tỉnh giác" hơn so với việc "tắm" trong ánh sáng rực rỡ, ánh sáng “động” ở bên ngoài. Việc sử dụng ngói lấy sáng và đèn néon ngày nay sẽ khó bảo tồn được không gian cổ xưa của chùa. Do nhu cầu sử dụng nên có thêm nhiều thiết bị hiện đại như: đèn, công tắc, quạt máy, ổ cắm điện… được lắp đặt trực tiếp lên những trụ cột gỗ trong chánh điện, trai đường. Các đường dây điện, đèn, quạt, ổ cắm điện... được lắp đặt thêm không những ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cổ của chánh điện mà còn làm hư hỏng đến các cột gỗ (có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật) nằm trong khu vực di tích cần bảo tồn nguyên trạng.  Đối với các thiết bị cần thiết không thể bỏ được thì nên chọn vị trí lắp đặt thích hợp để không làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cổ trong chánh điện.


4. Kết luận

Về tổng thể, công tác bảo tồn cần quan tâm nhiều đến tổng thể xung quanh di tích; đồng thời xem xét các hạng mục công trình xây thêm làm ảnh hưởng đến tổng thể di tích kiến trúc cổ như nhà Khám Bệnh xem có cần thiết giữ lại không nếu không thật sự cần thiết thì nên tháo gỡ để trả lại đúng bố cục không gian kiến trúc cổ xưa của công trình. Kèm theo đó là việc xử lý các vật liệu mới trong không gian kiến trúc cổ sao cho phù hợp, hài hòa...

Về kiến trúc, trả lại các không gian chức năng về đúng vị trí của nó. Việc trùng tu đó nên dựa trên cơ sở pháp lý và các bài học kinh nghiệm từ các công trình bảo tồn trùng tu thành công.


Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Anh Dũng (chủ biên), ThS. Nguyễn Thị Lan (2014), “Kiến trúc đình chùa Nam Bộ”, nhà xuất bản Xây Dựng

[2] Sách “Hội Thảo Khoa Học 300 Năm Phật Giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh”, nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh

Phần 2: Lịch Sử Truyền Thừa

Phần 3: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định

[3] Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Cự - Phạm Ngọc Long, “Chùa Việt Nam”, nhà xuất bản Thế Giới

[4] Thích Thanh Từ (1972), “Thiền Sư Việt Nam”, Tu Viện Chân Không

[5] Nguyễn Quảng Tuân – Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên (1993), “Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh”, nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh

[6] Nguyễn Quảng Tuân – Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên (1994), “Những ngôi chùa ở Nam Bộ”, nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh

[7] Hồ sơ di tích chùa Giác Viên

   [8] Chùa Giác Viên (Chùa Hố Đất), Đại Đức Thích Huệ Thạnh
CÁC TIN KHÁC